Thursday 28 March 2013

Kỹ sư nông nghiệp về quê làm giàu


Tốt nghiệp đại học xong, anh không vào làm việc tại cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp như bạn bè cùng trang lứa, cũng không đến những đô thị phồn hoa mà quyết về quê lập nghiệp với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tri thức được trau dồi trên giảng đường đại học để rồi trở thành “tỷ phú” trẻ của làng. Đó là câu chuyện lập nghiệp, làm giàu của kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đăng Cường, sinh năm 1980 tại thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành).

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp THPT anh Cường có 6 năm công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 7 với cấp bậc Thiếu úy. Đến năm 2004 thi đỗ vào khoa Chăn nuôi thú y của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, anh được mời về làm kỹ thuật chính cho một số trang trại chăn nuôi lớn ở khu vực phía Bắc với mức lương khá hấp dẫn. Tưởng vậy là đã “an cư lạc nghiệp” nhưng anh lại có suy nghĩ phải trở về “bám trụ” đất quê mong góp một phần công sức nhỏ bé cho quê nhà.
Hỏi chuyện mới hay, anh Cường đã từng thất bại trong chăn nuôi khi mới rời quân ngũ. Chính sự thất bại ấy khiến anh suy nghĩ thấu đáo muốn làm trang trại lớn phải hội tụ cả kiến thức, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật thì mới thành công. Cầm trong tay tấm bằng kỹ sư, anh không mơ ước trở thành “ông nọ, bà kia” mà trở về quê làm một anh nông dân thuần chất, ngày ngày làm bạn với vườn cây, ao cá... Có lẽ, câu chuyện làm giàu của anh như một sự sẻ chia, tạo thêm động lực giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong thời đại mới.

Anh Cường nhớ lại: “Năm 2004, tôi huy động mọi nguồn vốn đấu thầu 2,5 ha đất trũng làm trang trại nhưng thả cá chết cá, nuôi ngan chết ngan, rồi lại chuyển sang nuôi 2.000 con vịt đẻ, đúng vào thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, mỗi ngày trang trại thu 1.700-1.800 quả trứng kéo dài 3 tháng liền không bán được, thất thoát này khiến gia cảnh lao đao tưởng chừng không vực lại được”. Thế nhưng sau cơn mưa, trời lại sáng. Anh quyết tâm đèn sách theo học đại học. Vừa học vừa làm thêm, một năm, hai năm rồi 4 năm trôi đi thật nhanh, tốt nghiệp đại học anh làm kỹ sư chính cho một số trang trại ở Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Sau 2 năm, có chút vốn anh trở về khôi phục lại trang trại. Lần này có sự bài bản trong đầu tư, bắt đầu là cải tạo ao, xây kè, lát móng, rồi đến tìm con giống đều theo quy trình kỹ thuật. Với diện tích 2,5 ha, trong đó 2 ha mặt nước, anh chia thành khu nuôi cá giống, cá thịt riêng biệt. Cùng với vốn tự có anh vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 300 triệu đồng. Đầu tiên, anh sang Trung Quốc mua giống cá diêu hồng về thả. Sau đó, anh được Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ chiếc máy guồng nước xục khí ô xy giữ điều hòa cho cá.
Trong quá trình chăn nuôi, anh Cường thường xuyên kiểm tra nguồn nước hồ và xử lý ô nhiễm bằng vi sinh vật, bảo đảm môi trường luôn trong lành cho cá phát triển. Nhờ thế, năm 2012 trang trại cho thu hoạch cả hàng chục tấn cá rô và cá diêu hồng, bán tại ao với giá bình quân 55 nghìn đồng/kg. Đồng thời, anh ươm 2 loại cá giống này, mỗi năm xuất bán 200-400 vạn con cá giống, chu kỳ nuôi cá giống chỉ 20-45 ngày được xuất bán.
Theo anh Cường: “Nuôi cá giống lợi nhuận cao rủi ro thấp vì thời gian ngắn, trên diện tích 1 m2 mặt nước có thể nuôi được 50 đến 100 cá giống”. Anh vừa ký hợp đồng với Công ty XNK Thủy sản Hạ Long (Quảng Ninh) tiêu thụ 100-300 tấn cá diêu hồng trong năm 2013. Dự kiến các năm tiếp theo sẽ tăng lên gấp 2 đến 3 lần.
Ngoài việc đầu tư chính cho nuôi trồng thuỷ sản, trang trại của gia đình anh Cường còn thường xuyên duy trì chăn nuôi 40 con lợn thương phẩm, 1.500 con vịt trời. Ban đầu, anh cứ nghĩ chăn nuôi vịt trời sẽ khó, nhưng thực ra cũng không khác mấy so với chăn nuôi vịt nhà. Thậm chí, giống vịt trời có sức đề kháng tốt hơn vịt nhà nên trong quá trình chăn nuôi hầu như chúng không bị bệnh tật. Về cơ bản người chăn phải quây lưới xung quanh chuồng trại nhằm không để vịt bay mất.. Khi vịt đẻ trứng được bao nhiêu, anh cho vào lò ấp và tỷ lệ nở thành công đạt từ 70% đến hơn 90% (tuỳ theo điều kiện thời tiết). Với phương thức chăn nuôi vừa gây dựng thêm đàn vịt trời bố mẹ, vừa nuôi vịt thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Tính đến nay, anh đã bán hàng trăm con vịt thương phẩm với giá bình quân 200 nghìn đồng/con. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi anh thu về 200 triệu đồng tiền bán vịt thương phẩm. Ngoài chăn nuôi, hiện nay anh còn đầu tư một nhà máy chuyên chế biến thức ăn cá ở Gia Lâm-Hà Nội giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức thu nhập từ 5-9 triệu đồng/người.
Những thành công của anh Cường sẽ là một tấm gương sáng truyền lửa cho các thế hệ thanh niên kế tiếp, để có nhiều hơn nữa những triệu phú trẻ làm giàu chân chính từ trí tuệ, sức trẻ trên mảnh đất quê hương mình.
Bài, ảnh: Hà Linh

No comments:

Post a Comment