Tuesday 16 April 2013

Cách làm giàu của ông Nam


(BLC) - Chẳng phải hoang đường khi chúng nói điều ấy bởi có so sánh vườn rau xanh mơn mởn của gia đình ông Nguyễn Văn Nam (tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến, thị xã Lai Châu) hiện tại với những mảnh đồi chơ vơ đá vôi trắng xóa cách đây 3 năm mới thấy điều đó là sự thật.
Chúng tôi đến thăm vườn rau của gia đình ông Nam khi mặt trời gần đứng bóng, trời nắng chang chang những ngày chớm hạ song dường như vợ chồng ông không nhớ đến thời gian nghỉ. 2 bàn tay vẫn miệt mài vun xới, tưới tắm cho những luống rau, chậu hoa, bắc giàn cho mướp rồi nhổ cỏ… Cứ thế, ngày tiếp ngày, 2 vợ chồng lão nông không hề thấy mệt mỏi, chỉ biết rằng, khi vườn rau mở rộng quy mô thì mơ ước về một cơ sở cung cấp giống rau sạch đầu tiên trên địa bàn thị xã Lai Châu đã trở thành hiện thực.
“Biến" đá thành… đất trồng rau
Chính tôi cũng không tin nổi vào khả năng đôi bàn tay con người lại có sức cải tạo  lớn lao đến vậy. Cứ giả sử như những mảnh đồi kia là đá nhưng bằng phẳng, có lẽ việc cải tạo ít khó khăn hơn. Song, đây lại là những vạt đồi lởm chởm đá tai mèo, những tảng đá vôi khấp khểnh; cỏ dại còn không mọc nổi, huống gì cây rau, củ, quả và cây cảnh.
Ông Nam tạo kiểu cho các cây địa lan.
 Lý giải cho những ngỡ ngàng của chúng tôi, ông Nam trầm ngâm: “Nói vậy thôi chứ nhiều lúc vợ chồng tôi định bỏ về quê Nam Định làm ruộng đấy cô ạ. Không phải cứ có đầy đủ phân bón, gieo hạt giống rau, tưới nước thường xuyên thì nó sống mà mỗi vụ rau là mỗi lần chúng tôi đổ biết bao mồ hôi, công sức. Cố gắng là thế, nhưng vào mùa khô hanh có khi cả vườn rau héo quắt lại, công lao lại đổ sông đổ bể”.
Ông Nguyễn Văn Nam quê gốc ở tỉnh Nam Định. Năm 1984 ông xuất ngũ trở về quê hương và lao động sản xuất. Đến năm 2010, vợ chồng ông Nam lên với Lai Châu. Những ngày đầu định cư ở vùng đất mới, vợ chồng ông đã bỏ biết bao công sức để cải tạo 3ha đất đồi trở thành đất sản xuất. Việc đầu tiên, vợ chồng ông phát những bãi cỏ hoang vu, có đám cao trên đỉnh đầu, sau đó đi gánh đất ở khắp mọi nơi, bất cứ nơi nào có đất xung quanh khu vực đồi của nhà mình là vợ chồng ông xin gánh về. Sức người có thể dời non lấp bể, ngày này sang ngày khác, gần 2ha đá vôi đã được phủ bằng một lớp đất mỏng. Nhưng chỉ đất thôi chưa đủ để trồng rau, vợ chồng ông lại đến từng gia đình nuôi trâu, bò, gà, lợn xin phân, sau đó mua thêm trấu về ủ cho phân ngấu ra mới đổ lên trên lớp đất. Rồi ông Nam nghĩ, bỏ bao nhiêu công sức cải tạo đất mà chỉ để trồng rau thôi thì phí quá, vậy là ông lại bàn với vợ mua giun quế về nuôi bên dưới lớp đất trồng rau.
Theo ông, việc kết hợp nuôi giun có rất nhiều lợi ích, đó là cải tạo đất tơi xốp để rau nhanh tốt, đồng thời cũng không dùng các loại thuốc sâu, thuốc kích thích nên rau sạch và an toàn. Vậy là vợ chồng ông bắt tay vào đổ bê tông thành từng khuông nhỏ, làm nhà bạt, đầu tư bể nước có sức chứa 20 khối nước để phục vụ trồng rau, nuôi giun. Hiện tại, gia đình ông đã dựng được 2 nhà bạt, trung bình trên 500m2/nhà, trong đó khoảng 1ha đất trồng rau cải bắp, xà lách, su hào, mồng tơi, rau dền và đặc biệt là rau caron (xà lách) phục vụ cho các nhà hàng. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng thêm các loại cây dây leo như: bầu, bí quả dài, mướp, su su…
Tôi đang băn khoăn nuôi giun ngoài tác dụng hỗ trợ trồng rau, còn có mục đích khác, ông Nam nói: Giun là một trong những loại thức ăn “hảo hạng” đối với gà. Nuôi gà từ nguồn thức ăn này cho thịt rất chắc, không độc hại mà lại không tốn tiền mua thức ăn ở ngoài. Lúc đầu gia đình ông mua 3 tạ giun (500.000 đồng/kg), từ đó đến nay, ông Nam tự ươm giống giun bằng cách hòa loãng phân bò rồi cho giun vào, giun đẻ rất nhanh. Với cách làm đó, đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho khoảng 100 con gà của gia đình.
Ở nơi lưng chừng đồi, ông Nam còn có thú chơi cây cảnh với khoảng 50m2 trồng các loại địa lan, phong lan và nhiều cây hoa, cây cảnh khác. Ông bảo, tôi trồng để phục vụ cho thú vui cá nhân là chính nhưng tết vừa rồi, nhiều người khách vào muốn mua hoa, tôi cũng bán được ít nhiều từ hoa, cây cảnh đấy. Cây trồng của gia đình tôi rất ít sâu bệnh vì tôi tự học được cách chế biến thuốc sâu không ảnh hưởng tới môi trường, đó là ngâm nước gừng lâu ngày sau đó tưới cây sẽ không bao giờ có sâu bệnh.  Tham vọng của lão nông chưa dừng lại ở đó, ông còn có dự định mở rộng thêm ao để nuôi cá. Hiện tại, vợ chồng ông Nam đang chuẩn bị xây 100m2 ao và nghiên cứu hệ thống thoát nước để giữ ổn định nguồn nước trong ao vào mùa mưa. “Nguồn thu nhập không ít, không nhiều, đủ để vợ chồng tôi đầu tư trở lại mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi” – ông Nam trả lời khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập của gia đình. Ngoài ra, gia đình ông Nam còn trồng thêm 1ha cây thông phía sau nhà để chống xói mòn, sạt lở vào mỗi mùa mưa.
Ước mơ về thương hiệu rau sạch
Ước mơ đó hình thành khi lần đầu tiên ông Nam đặt chân đến thị xã Lai Châu. Sau khi dạo 1 vòng quanh các chợ, ông nhận thấy, thị trường rau ở đây rất đắt và không phong phú về chủng loại. Rau chủ yếu nhập từ thị trường các nơi khác đến và mức độ an toàn cũng không được đảm bảo. Chính vì thế, nhiều người tiêu dùng thực sự không yên tâm khi mua các loại rau, củ, quả ngoài chợ về chế biến món ăn cho gia đình. Do vậy, với cách sản xuất rau như của gia đình, “100% là rau sạch” như ông Nam khẳng định thì xây dựng 1 cửa hàng rau sạch trên địa bàn thị xã Lai Châu quả là hợp lý.
… chăm sóc vườn rau.
Ông bảo, trong tháng 4 này, cửa hàng rau sạch sẽ đi vào hoạt động. Để có nguồn rau tiêu thụ thường xuyên, ông Nam đã hợp đồng với các gia đình “cùng chí hướng” trồng rau sạch ở một số nơi trong và ngoài tỉnh cung ứng. Đồng thời, cũng sẽ mở rộng dịch vụ phục vụ đến tận nhà nếu khách hàng có nhu cầu. “Không chỉ bán rau sạch, tại cửa hàng của gia đình còn có cả “gà sạch” để phục vụ với giá bán theo giá thị trường” – ông Nam cho biết.
Chia tay chúng tôi, vợ chồng ông Nam – bà Hồng lại tiếp tục với công việc thường ngày như những con ong chăm chỉ, góp mật cho đời. Mong rằng ước mơ chân thực của người nông dân sẽ ngày càng phát triển, để cùng với người dân Lai Châu xây dựng một thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

No comments:

Post a Comment