Monday 15 April 2013

Có không, mâu thuẫn giữa đạo đức và làm giàu?


Nhằm tìm hiểu rõ hơn về giá trị đạo đức trong kinh doanh thông qua bài học từ danh nhân Lương Văn Can, trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) đã tổ chức hội thảo “Lương Văn Can – Đạo đức làm giàu” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu.
Hạn chế của doanh nhân Việt Nam

Trong báo cáo “Vài nét về doanh nhân Việt Nam xưa và nay”, PGS-TS. Đào Duy Huân đã phát triển thành 5 điểm mạnh và 9 điểm hạn chế của doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Trong đó, những điểm mạnh bao gồm: kiến thức, trình độ và sự năng động trong kinh doanh của các doanh nhân ngày một nâng cao; luôn đổi mới, sáng tạo, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, góp phần ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, nhạy bén, linh hoạt và thích ứng nhanh với môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, những mặt hạn chế cũng được tác giả nhấn mạnh, bao gồm: thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu đoàn kết, liên minh trong kinh doanh; tầm nhìn chiến lược và khả năng hoạch định chưa tốt, chưa bảo đảm phát triển bền vững; ngại đổi mới sản phẩm, dịch vụ, cơ cấu tổ chức, ngại tìm thị trường mới, ngại đổi mới phương hướng kinh doanh; nhiều doanh nhân không thực hiện chế độ học tập suốt đời, sớm tự mãn; nhiều doanh nhân lãnh đạo quan liêu, xa rời thực tế; thích dùng tiền mặt; dễ bị lôi cuốn kinh doanh theo phong trào.
Do vậy, với mục tiêu xây dựng, phát triển và nâng tầm doanh nhân Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế, PGS-TS. Đào Duy Huân đã đưa 9 đức tính doanh nhân phải có trong thời đại mới: phải có khao khát mãnh liệt và đam mê trong kinh doanh, thấm nhuần đạo lý “tất cả vì khách hàng” và “khách hàng là người trả lương cho chúng ta”; tự tin; đồng cảm với mọi người; tập trung vào chiến lược kinh doanh đã định trong từng thời kỳ, kiên trì, bền bỉ; nhiệt tình, tận tụy; lạc quan; đầu tư tri thức.
Giữ đạo đức làm giàu thật khó
Trong báo cáo “Công chức trong việc hỗ trợ giữ gìn sự trung thực trong kinh doanh”, ThS. Vũ Quốc Anh – Nguyễn Thụy Lê Vy đã thực hiện một cuộc khảo sát – phỏng vấn “mini” các DN tại TP.HCM. Những con số ghi nhận được thật đáng suy ngẫm: 100% DN đồng ý phải có đạo đức trong kinh doanh, nhưng có đến 92% trả lời không thể tuân thủ.
Họ cho rằng “trung thực là thiếu khôn ngoan” và như thế, các đối thủ cạnh tranh sẽ đi trước một bước. Do vậy, họ chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí rủi ro để đi "cửa sau" với một số đối tượng, đặc biệt là công chức, nhằm giúp công việc trôi chảy và nhanh chóng hơn. Và như vậy, 97% DN cho rằng công chức có ảnh hưởng đến sự trung thực của mình.
Từ đó, báo cáo đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc hỗ trợ lẫn nhau giữa DN và hệ thống pháp quyền, trong đó, luật pháp phải nghiêm minh; công chức “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, còn DN thì yên tâm áp dụng đạo đức làm giàu.
Xây dựng lại "ngôi nhà đạo đức kinh doanh"
Trong tham luận “Đạo đức làm giàu ở Việt Nam nhìn từ chiều sâu văn hóa”, TS. Lý Tùng Hiếu cho rằng: “Các tiêu chuẩn, đạo đức làm giàu tuy cũng có nhưng chưa đủ và hiệu quả. Những bức tường để ngăn chặn các doanh nhân Việt Nam và cán bộ chức quyền làm điều xấu bao gồm: lương tâm – lương tri, dư luận xã hội và luật pháp đều chưa đủ vững, đủ tầm cao”.
Ông Hiếu đề nghị: “Nên chăng xây dựng lại từ đầu đạo đức làm giàu cho giới doanh nhân Việt Nam”. Theo quan điểm của ông, quyền tự chủ - tự quyết sẽ được giao về tay giới doanh nhân bằng cách kết hợp những bài học trong lịch sử từ các bậc hiền nhân nổi tiếng như Lương Văn Can, kết hợp với tri thức thời đại để thiết kế, thi công ngôi nhà đạo đức kiên cố, vững chắc, chống lại mọi thói hư tật xấu tác động từ bên trong lẫn bên ngoài.
Do vậy, tinh thần “đạo đức làm giàu” cần phải được phải khuếch trương đến mọi tầng lớp trong xã hội, đúng với tinh thần của cụ Lương Văn Can hơn 100 năm trước. 

ĐĂNG KHOA - Ảnh: CÔNG TOẠI

No comments:

Post a Comment