Tuesday 16 April 2013

Làm giàu trên vùng đất cằn cỗi

Chuyện một thanh niên từng ngồi ghế giảng đường đại học lại trở về mảnh đất cằn cỗi ở quê hương, gầy dựng trang trại và kiếm được mỗi năm trên dưới 500 triệu đồng.


11g trưa, nắng như đổ lửa khiến các đồng lúa tại thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) khô cháy... Nhưng ở một góc nhỏ giữa đồng, hai đám ruộng cỏ làm thức ăn cho gia súc vẫn xanh mướt. Tại đấy, Nguyễn Ngọc Mười (thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền) tranh thủ chăm chút đám cỏ để phục vụ đàn bò đang vào thời kỳ sinh sản. Anh Mười khoe: “Năm qua nuôi mấy lứa heo gặp thất bại do dịch tai xanh, nhưng nhờ có đàn bò mà gỡ gạc lại được”.
Bỏ giảng đường vì quá nghèo
Hàng xóm của anh Mười khi kể về người thanh niên giàu ý chí này đều tỏ rõ sự cảm mến. Anh Mười cho biết mồ côi mẹ từ lúc lên 3 tuổi, nhà có đến bảy anh chị em.
Từ nhỏ đến khi gầy dựng sự nghiệp, cả gia đình luôn phải đối diện với miếng cơm manh áo, những chật vật túng thiếu. Tốt nghiệp cấp III, Mười mơ ước trở thành giáo viên thể dục.
Kỳ thi năm 2000, anh trúng tuyển Trường đại học Hồng Bàng. Mười kể để có tiền đi học, ngay từ khi mới vào nhập học anh đã phải đi bưng bê tại một quán bar. Một năm sau, chàng sinh viên nghèo buộc phải có quyết định khó khăn: bỏ học vì không đủ tiền trang trải học phí.
“Lúc đó mình rất tủi thân, bao nhiêu mơ ước phải dừng lại vì quá nghèo. Mình quyết định bám trụ TP.HCM để làm thuê kiếm một ít tiền rồi thi vào đại học tiếp” - anh Mười nhớ lại. Năm 2003, sau một năm lặn lội mưu sinh và tích cóp được ít tiền, Nguyễn Ngọc Mười quyết định học ngành kế toán ở một trường trung cấp tại TP.HCM. Lấy được tấm bằng trung cấp, Mười phấn chấn khăn gói về quê, tìm mọi cơ hội để xin việc làm nhưng đi đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Từ nhân viên bưu tá đến chủ trang trại
Anh Mười cho biết sau khi đi khắp nơi xin việc không thành, anh được một người quen giới thiệu vào làm “chân” đưa thư báo cho bưu điện huyện. Hằng ngày anh đánh xe rong ruổi khắp các xã đưa thư, phát báo cho người dân nhưng đồng lương rất thấp.
“Phải tìm hướng làm giàu để thay đổi cuộc đời mình, không thể trì trệ mãi như thế này” - Mười tự nhủ. Mười quyết tâm biến những ruộng nương cằn cỗi ở quê hương thành những trang trại xanh mướt. Anh lên huyện đoàn đăng ký vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, rồi nhờ anh chị em vay ngân hàng chính sách thêm 7 triệu đồng từ vốn hỗ trợ hộ nghèo làm ăn.
Có trong tay 17 triệu đồng, Mười đã nghĩ đến một trang trại trong tương lai. Nhưng khi anh bắt tay vào xây chuồng heo, mua con giống, làm được giữa chừng thì cụt vốn. “Trang trại” của Mười ban đầu chỉ có cái... chuồng heo và hàng tường rào bao quanh. Quyết tâm làm ăn, Mười tìm cách vay mượn bạn bè mua 20 chú heo giống. Cơ nghiệp được gầy dựng từ đây.
Vợ Mười cho biết từ khi quyết tâm làm ăn, ngày nào anh Mười cũng tỉ mẩn chăm bẵm đàn heo, dọn dẹp vườn tược. Nguồn thức ăn nuôi heo được anh tận dụng từ cây rau trồng trong vườn và chịu nợ cám từ các tiệm buôn. Lứa heo đầu tiên bán lãi ròng được 8 triệu đồng, Mười tiếp tục đầu tư thêm.
Càng làm càng thấy ham, đến năm 2009 tổng số đàn heo của anh đã lên tới hàng trăm con. Mười quyết định xin bố mẹ cho mượn đất đai mở rộng cơ ngơi, từ chăn heo anh chuyển qua mua bò về vỗ béo, mua thêm heo rừng về nuôi bán giống. Nhiều người trong xã thấy Mười làm ăn được đều ngạc nhiên hỏi: “Sao đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng còi cọc mà anh lại làm ăn giỏi thế?”, Mười chỉ cười và trả lời đơn giản: chăn nuôi cần nhất là nguồn thức ăn, đất cằn khó trồng cây được là do đến mùa hạn khô cháy cả mấy tháng. Bởi thế chỉ cần đào giếng thật lớn và giữ nguồn nước ổn định tưới tiêu cho cây thì gia súc sẽ luôn có thức ăn, sinh sản tốt”.
Từ hai bàn tay trắng, anh Mười kể đến năm 2011 là năm bội thu nhất khi anh thu về gần 700 triệu đồng từ trang trại của mình. Đến năm 2012, trong cơn “bão” bệnh tai xanh nhưng trang trại heo, bò của anh cũng thu về hơn 500 triệu đồng. “Nếu duy trì ổn định như hiện tại thì việc kiếm mỗi năm ba bốn trăm triệu là điều có thể làm được. Mình rất muốn mở rộng trang trại lớn hơn nữa và hướng dẫn thanh niên trong thôn làm ăn” - anh Mười nói.

No comments:

Post a Comment