Tuesday 16 April 2013

Người giàu hưởng lợi?


(Thanh tra) - Có ý kiến cho rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản mà chính phủ đề ra trong Nghị quyết 02 là cần thiết từng bước ổn định thị trường và thực hiện chính sách an sinh. Tuy vậy, việc triển khai cần phải có lộ trình phù hợp, thận trọng, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, chứ đừng để người giàu hưởng lợi. Do vậy, việc hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho người mua nhà cũng cần thực hiện một cách đồng bộ và sàng lọc. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Xuân Hùng nêu quan điểm: Nợ xấu từ thị trường bất động sản (BĐS) không phải là xấu nhất so với một số ngành khác, và không phải là nếu không được Nhà nước cứu, thì doanh nghiệp BĐS sẽ đồng loạt chết, kéo theo nền kinh tế lao đao.

Theo ông Hùng, đừng bi kịch hóa thị trường này, mà muốn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thì phải có số liệu chính xác, đánh giá đầy đủ tiêu chí, còn như số liệu hiện nay không phản ánh hết tình hình.

Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7, Nguyễn Mạnh Thắng, ở góc độ doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng, giải pháp quan trọng nhất để giảm tồn kho BĐS trong bối cảnh hiện nay là siết nguồn cung. Quan trọng nhất là siết chặt phía cung, hạn chế các dự án BĐS, tránh lãng phí nguồn nhân lực của toàn xã hội, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người tiêu dùng cho dù các giải pháp của chính phủ đưa ra hỗ trợ là rất hữu ích về an sinh xã hội kể cả mặt kích thích sản xuất, kích thích người tiêu dùng sản xuất vật liệu xây dựng trong ngành Xây dựng.

Cũng có ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ của nhà nước cần có sự thận trọng, lưu ý này được nhìn nhận từ một số liệu phổ biến hiện nay và cũng có thể tạm tin cậy là nợ xấu BĐS đang là khoảng 6,5%. Đây là con số dưới mức trung bình so với nợ xấu của một số ngành khác. Theo đó nếu đúng tồn kho BĐS chỉ hơn 110.000 tỷ đồng thì chưa đáng lo ngại.

Nhưng nếu Chính phủ thực sự muốn đưa các giải pháp hỗ trợ thị  trường thì đối tượng cần hỗ trợ không phải là doanh nghiệp BĐS mà đối tượng cần quan tâm nhất hiện nay chính là người dân, người có nhu cầu thực.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, Nguyễn Trọng Ninh cũng nói, xác định được đối tượng rồi, thì giảm giá bán từ phía doanh nghiệp nhằm cân đối cung cầu là yêu cầu tất yếu.

Theo ông Ninh, giá cả bắt buộc phải giảm để kích tăng nhu cầu, mà là cầu thực, người có khả năng thanh toán. Để đảm bảo mối quan hệ cung cầu phù hợp với yếu tố thị trường thì việc các doanh nghiệp giảm giá bán là một yếu tố khách quan, vấn đề mà các doanh nghiệp tính đến là phải thực hiện để đảm bảo mối quan hệ cung cầu.

Một vấn đề quan trọng khác, việc đánh giá, xác định thị thực của doanh nghiệp BĐS cũng cần được ngành chức năng thực hiện nghiêm túc, nguồn cung có chất lượng ra thị trường sẽ được người tiêu dùng đón nhận.

Như vậy, để thực sự vì quyền lợi của người mua nhà, hay nói rộng hơn là những người có nhu cầu về nhà ở, tăng tính thanh khoản cho thị trường thì điều quan trọng là phải kéo giá nhà về giá trị thực. Muốn vậy, vai trò của Bộ xây dựng, của Chính phủ trong việc xác định mức giá hợp lý, cần sớm được thực hiện trong khi chờ đợi thì mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra được một lộ trình để thị trường BĐS về với giá trị thực là yêu cầu và mong muốn chính đáng của người dân.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, để hướng tới một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, vì quyền lợi chính đáng của người dân hơn, thì vấn đề quan trọng là các Bộ, ngành cần thống nhất thực hiện các biện pháp. Nếu không thị trường BĐS càng gỡ càng rối. 

Việc hỗ trợ 40.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho người mua nhà cũng cần thực hiện một cách đồng bộ và sàng lọc, tránh tình trạng người có nhu cầu thì không được hỗ trợ mà người giàu lại được hưởng. Người dân cũng đang mong đợi chính phủ có những biện pháp cải cách tiếp theo để giải quyết tận gốc các vấn đề.

No comments:

Post a Comment