Wednesday 17 April 2013

Nhiều cách làm giàu của nông dân Triệu Phong

Đến nay, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có trên 16.670 hội viên nông dân. Trong những năm qua, bên cạnh việc tổ chức xây dựng hội vững mạnh, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi, được đông đảo hội viên hưởng ứng và tham gia tích cực. Mỗi hội viên đều có một cách triển khai hướng sản xuất, kinh doanh khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính sức lực và trí tuệ của mình. 
Năm 1990, sau khi lập gia đình, chị Phan Thị Ánh Tuyết ở thôn Nhan Biều III, xã Triệu Thượng thuộc diện hộ nghèo của xã. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương, chị Tuyết đã đầu tư lập trang trại nuôi lợn, trồng cao su, trồng rừng. Với diện tích 2,5 ha cao su, sau gần 8 năm chăm sóc đã đến kỳ cho khai thác mủ, mỗi ngày gia đình chị Tuyết thu được 20 kg mủ tươi. Bên cạnh đó 1 ha rừng đã đến kỳ khai thác cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra chị Tuyết còn nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trong chuồng lúc nào cũng có đến 30- 50 lợn bột mỗi lứa. Tính lợi nhuận từ chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm chị Tuyết cũng thu lãi trên 120 triệu đồng. 

Thu hoạch cá từ mô hình trang trại trên vùng cát ở Triệu Phong

Chúng tôi có dịp về thăm mô hình trang trại nuôi trồng tổng hợp của anh Trần Văn Thiệu ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa. Năm 2005, thực hiện chủ trương đổi thửa, dồn điền, anh Thiệu đã mạnh dạn đấu thầu vùng đất hoang hóa cằn cỗi 0,8 ha để xây dựng trang trại. Sau 7 năm gây dựng, một mô hình trang trại khép kín đã hình thành. Trên diện tích 0,8 ha, anh quy hoạch thả nuôi trên 2 vạn cá giống các loại, xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái ngoại, gà, vịt đàn. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn và chuyển giao kỹ thuật từ Hội Nông dân nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, mỗi năm từ trang trại này anh Trần Văn Thiệu có tổng nguồn thu trên 600 triệu đồng. 

Không chỉ phát triển kinh tế ở vùng gò đồi, đồng bằng, những năm qua nông dân trên địa bàn huyện đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng cát ven biển để vươn lên ổn định cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, anh Lê Đình Vững ở thôn Bồ Bản, xã Triệu Trạch đã quyết tâm lập nghiệp ngay trên vùng cát trắng quê mình. Năm 2008, khi được sự đồng ý và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh Vững bắt tay xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vườn- ao- chuồng (VAC) trên vùng cát tại thôn An Trạch, xã Triệu Trạch. Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm nhưng bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh đã vượt qua và xây dựng thành công mô hình kinh tế của mình. Giờ đây, trang trại rộng 3 ha kết hợp nuôi gà, cá và trồng dưa hấu, mỗi năm đem lại thu nhập cho anh hàng trăm triệu đồng. 

Với đặc thù của một huyện có 3 vùng kinh tế khá rõ rệt, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã vận động hội viên nông dân khai thác tốt tiềm năng lợi thế của từng vùng để phát triển kinh tế. Từ những mô hình sẵn có, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại cây con mới vào thâm canh, mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về cách làm ăn, làm giàu. Đến nay huyện Triệu Phong có trên 7.000 hộ nông dân đạt tiêu chí hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi các cấp, tăng 2.053 hộ so với năm 2007, trong đó hộ đạt tiêu chí cấp Trung ương có 44 hộ, có 304 hộ đạt tiêu chí cấp tỉnh, 937 hộ đạt tiêu chí cấp huyện và 5.723 hộ đạt tiêu chí cấp xã. 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân Triệu Phong tiếp tục đưa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi đi vào chiều sâu, phấn đấu hàng năm tăng từ 5-10% hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp. Để đạt được mục tiêu đó, hội đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục tuyên truyền, vận động, biểu dương khen thưởng kịp thời những hộ nông dân làm ăn hiệu quả; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của hội viên nông dân, giúp đỡ nhau trong làm ăn, mở mang ngành nghề, đồng thời du nhập thêm nghề mới, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại có quy mô sản xuất hàng hóa, đem lại lợi nhuận cao cho hội viên nông dân. 

                                                               Bài, ảnh: LÊ CẢNH THU

No comments:

Post a Comment