Thursday 1 October 2015

Làm giàu từ cây Gừng

Ông Trần Văn Đi (ở ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM
Gừng là một gia vị không thể thiếu trong những ngày Tết và được xem như một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Chính vì vậy những năm gần đây nhu cầu sử dụng gừng ở TPHCM ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ mạnh, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Ông Trần Văn Đi (ở ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM) là một trong những người tiên phong, khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đi cho biết: Một hôm ông xem truyền hình thấy giới thiệu về mô hình trồng gừng rất hiệu quả. Đêm nằm ngủ cứ trằn trọc mãi. Sáng hôm sau, ông lặn lội xuống tận tỉnh Tiền Giang, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.Lúc đầu ông trồng thử 100m2, sau 8 tháng ông đã thu hoạch được lứa đầu, bán với giá 12.000đ/kg. Ông nhẩm tính nếu giá gừng tươi cứ đứng vững như vậy thì trồng gừng so với trồng lúa lời gấp 3 – 4 lần, không phải chân lấm tay bùn. Vụ sau ông trồng tăng diện tích lên 1.000m2; một năm sau ông trồng diện tích lên 3.000m2. Ông Đi cho hay: Khâu chọn gừng để làm giống rất quan trọng, chọn giống gừng tàu lá già, củ to, da bóng láng, không teo, không bị sâu bệnh. Nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 – 6 dương lịch), nhằm đỡ công tưới nước, gừng phát triển tốt.
Muốn cho gừng mọc mầm đồng đều cần ủ gừng trước, không nên dùng dao, mà phải dùng tay để tách nhánh, khi tách xong nhúng qua dung dịch Topsin hay Dithane với liều lượng 200g pha loãng với 50 lít nước, ngâm khoảng 15 phút, vớt ra để ráo nước. Một tuần sau tiến hành ủ, trải một lớp tro trấu dày từ 10 – 20cm, sau đó xếp gừng thành đống cao 20 – 30cm, phủ một lớp rơm kín lên trên, tưới nước đủ ẩm, không quá khô, không quá ướt. Nếu khô gừng sẽ khó nảy mầm, nếu ướt quá gừng dễ bị thối. Thời gian ủ khoảng 10 – 15 ngày gừng nảy mầm hết mang ra ruộng trồng.
Đất trồng cần làm tơi xốp, cây gừng rất háo nước, nhưng không chịu được úng cần lên liếp, nếu ruộng cao không bị úng vào mùa mưa thì không cần lên liếp. Lên liếp ngang 1,2m; dài tuỳ theo khổ đất, cao 20 – 30cm, mặt liếp làm đất nhỏ san thật bằng phẳng để rễ gừng phát triển tốt. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng hoai mục và phân lân. Nếu không có phân chuồng thì bón phân hữu cơ khác để thay thế. Khoảng cách trồng hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 30cm. Sau này vun gốc sẽ lấy đất ở giữa vun sang hai bên giống vun gốc khoai lang.
Cùng với cách chăm sóc như vậy, anh Trần Văn Khả người cùng ấp nhờ trồng gừng mấy năm vừa rồi trúng mùa, được giá, anh đã xây được nhà khang trang. Bà Trần Thị Mới, ở ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, tươi cười kể: Trồng gừng cũng dễ trồng, so với trồng lúa khoẻ re, không phải chân lấm tay bùn, giá cả lại cao, cứ gần Tết mối tới tận nhà cân, mình không phải đi chợ… Nhờ trồng gừng nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cách đặt hom: Bới hốc sâu 10cm rồi rắc basudin, liều lượng 2kg cho 1.000m2 để kiến khỏi ăn. Bằm đất thật nhuyễn, đặt hom giống xuống, phủ 4 – 5 cm phân hữu cơ, dùng thùng tưới có vòi hoa sen tưới đẫm, sau phủ một lớp rơm dày để giữ ẩm.
Chăm sóc: Trồng xong ngày tưới 1 – 2 lần, trời mưa không cần tưới. Lưu ý không để gừng bị khô quá nếu bị khô gừng kém phát triển và kéo dài thời gian sinh trưởng.
Bón phân: Lượng phân cần cho 1.000m2 50kg ure, 100kg lân (bón hết khi bón lót); 10kg phân kali (bón lót 5 kg). Sau khi trồng được 1,5 tháng pha 2 muỗng phân ure pha bình 20lít để tưới 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 – 5 ngày.
Khi bụi gừng đẻ 2 – 3 cây con tiến hành bón thúc 7 ngày một lần liều lượng 5 kg ure, rải xung quanh gốc cách 10cm. Mỗi tháng xới đất làm cỏ 1 lần.
Gừng là loại cây củ phát triển lên trên mặt đất. Khi cây gừng đẻ 4 – 5 nhánh con tiến hành vun gốc, thời gian này cần bón thêm phân hữu cơ, có thể trộn 50% phân hữu cơ và 50% đất vun vào gốc cây.
Lượng phân kali còn lại bón vào tháng 10 âm lịch để cho củ to và chắc. (Cần chú ý kiểm tra cây gừng khi nào thấy củ trồi lên lại tiến hành vun gốc).
Ông Đi bộc bạch: Nếu chăm sóc tốt 1 sào đạt năng suất từ 4 – 5 tấn củ, với giá bán gừng hiện nay từ 17.000 – 18.000đ/kg, thì một sào ông đi thu được 68 triệu, trừ chi phí giống + phân = 18 triệu, còn lời được 50 triệu.
 TRỒNG GỪNG ĐẠT NĂNG SUẤT CAO
Gừng cho năng suất rất cao, có thể đạt từ 40-80 tấn/ha (năng suất bình quân 60 tấn/ha). Nếu bán gừng non (thời gian trồng là 6 tháng) thì một công (1000m2) gừng, bà con nông dân thu được khoảng 75 triệu đồng (theo giá gừng năm 2004, hiện tại giá gừng giống là 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cây gừng thường rất bị các loại bệnh hại tấn công, nhất là bệnh thối củ (héo vàng) đây là loại bệnh rất khó phòng và trị. Do vậy, nông dân thường rất ngán ngại khi trồng loại cây trồng này.
1. Cách chọn gừng giống:Bà con nông dân rất ít khi có gừng giống để sẵn trong nhà, thường mua gừng giống từ các địa phương khác chuyển tới nên nông dân rất dễ mua phải gừng non, gừng chưa đúng độ tuổi để dùng làm giống (thường khoảng 8 tháng) hoặc gừng trước đó đã bị nhiễm bệnh. Để xác định được gừng đã già và có thể làm giống được, cần quan sát những đặc điểm sau đây:
Khi bẻ củ gừng ra, bên trong ruột củ gừng có màu vàng sậm. Phía trên đỉnh sinh trưởng của củ gừng có eo thắt lại (gừng đã già và phần thân đã tàn lụi tự nhiên, chứ không phải dùng các biện pháp khác để tác động như phun muối hoặc dùng chân để đạp lên cây gừng). Trồng phải gừng non hoặc gừng đã nhiễm bệnh trước đó thì gừng sẽ kém phát triển và bệnh hại phát triển mạnh sau này.
2. Cách xử lý gừng giống:
Hom gừng giống được tồn trữ nơi thoáng mát, với mật độ vừa phải và phun Validacine để phòng bệnh.
Trước khi ngâm ủ gừng giống, hom gừng giống được ngâm trong dung dịch thuốc trừ nấm (Topsin, Dithane…) khoảng 30 phút, sau đó vớt gừng ra để nơi khô ráo, khoảng một tuần sau thì tiến hành bẻ hom. Dùng tay để bẻ, không được dùng dao để cắt hoặc bổ đôi củ giống (mầm bệnh dễ dàng truyền từ củ này sang củ khác, đồng thời nếu bổ đôi củ giống khi trồng sẽ dễ bị mất nước và chết). Sau khi bẻ hom gừng xong phải để 15 ngày sau mới tiến hành đem ủ, thời gian này giúp cho vết bẻ khô mặt.
3. Cách ủ hom gừng:
Hom gừng giống được ủ trong tro trấu và tưới nước vừa đủ ấm để giúp hom gừng nẩy mầm tốt, thời gian ủ thường là 15 ngày (tuỳ theo hom gừng mạnh hay yếu). Chú ý, trước khi đem hom gừng ra trồng thì cần loại bỏ ngay những hom gừng bị mềm hoặc thối, vì đã bị nhiễm bệnh và có thể lây lan ra trên toàn bộ đám gừng.
4. Cách chọn đất để trồng gừng:
Cây gừng rất kén chọn đất để trồng, rất khó phát triển trên vùng đất sét nặng, nhiễm phèn. Đối với vùng đất cát, tuy đất có ưu điểm là tơi xốp, rút nước nhanh, nhưng khi nhiệt độ lên cao, nhiệt độ trong đất cũng nóng lên rất nhanh và dễ gây tổn thương cho cây gừng. Khi cây gừng bị thương thì nấm bệnh dễ dàng tấn công. Nên chọn vùng đất thịt, đất sét pha để trồng gừng.
5. Cách làm đất:
Đây là khâu rất quan trọng khi trồng gừng. Đất trồng gừng không được trồng chuyên canh, mà nên trồng luân canh hoặc xen canh với các loại cây trồng khác. Để phòng ngừa bệnh hại sau này trên cây gừng thì cần ngăn ngừa. Trước khi xuống giống nên gom và thiêu huỷ những cây bị bệnh của vụ trước đó, đất trồng nên được cày xới, phơi khô, lên liếp và bón lót vôi bột (70-120 kg/công). Có thể rải chất kích kháng, tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng đã ủ hoai mục, cũng có thể dùng tro trấu.
Ngoài ra, cần sử dụng thuốc vi sinh Trichoderma phun xịt lên mặt đất (theo liều hướng dẫn trên sản phẩm, sau đó cày ải đảo đất lại lần hai và tiến hành lên liếp để chuẩn bị xuống giống. Chú ý: khi đặt gừng giống, nên đặt trên mặt liếp, không nên đặt dưới rãnh để nhẹ tưới vì vi khuẩn gây bệnh thối củ luôn có khuynh hướng di chuyển xuống phần dưới của liếp trồng, nhất là tập trung nơi các rãnh.
6. Cách bón phân:
Cây gừng là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng khá dài (từ 6 đến 8 tháng). Do vậy, khi trồng gừng, nông dân thường trồng xen với các loại cây trồng khác có thời gian sinh trưởng ngắn hơn như đậu xanh hoặc bắp. Ở giai đoạn đầu nông dân chỉ bón phân cho các loại cây trồng xen này (chứ không bón phân cho cây rừng).
Cách bón phân, thành phần và liều lượng phân bón có ảnh hưởng lớn đến tình hình bệnh hại sau này. Khi thu hoạch các cây trồng xen xong thì nông dân mới tiến hành bón phân cho cây gừng (ở giai đoạn cây gừng đã được 90 ngày tuổi). Có thể chia ra làm 5 đợt bón phân và mỗi đợt bón cách nhau 20 ngày (90 ngày, 110 ngày, 130 ngày, 150 ngày, 170 ngày, 190 ngày). Bón phân NPK 20-20-15, liều lượng 10kg/công. Đồng thời có thể bón thêm các loại phân hữu cơ.
Khi chọn gừng để làm giống thì ngưng bón phân ở giai đoạn gừng đã được 6 tháng tuổi. Lưu ý không được lạm dụng phân vô cơ quá nhiều, gừng sẽ dễ phát sinh bệnh. Đối với phân hữu cơ vi sinh có thể tăng liều lượng lên, bón càng nhiều càng tốt, không có hại cho cây gừng.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
Một số sâu bệnh phổ biến thường gặp trên gừng:
– Sâu đục thân thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, đục vào bên trong ăn phần non, nếu bộc phát mạnh sẽ làm giảm năng suất gừng. Phòng trị: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như: Basudin, Regent,… Chú ý: Khi thấy bướm sâu đục thân xuất hiện thì tiến hành phun thuốc diệt ngay, nếu chậm trễ, khó phòng trị kịp thời.
– Bệnh cháy lá: Bệnh này do nấm Fusarium gây nên, thường vết bệnh xuất hiện trên chóp lá và cháy từ chóp vào hoặc có những vết cháy hình tròn hoặc bầu dục trên lá. Nếu bệnh phát triển mạnh, nấm tấn công vào nách lá, xuống củ làm chết cả cây. Phòng trị: Sử dụng các loại thuốc: Carbenzim, Bavistin,…
– Bệnh thối củ: Bệnh do vi khuẩn Ervina gây ra, đây là bệnh rất nguy hiểm và gây thiệt hại lớn đối với gừng. Cây gừng đang xanh tốt bổng dưng bị héo đột ngột vào giữa trưa, vài bữa sau toàn bộ cây bị vàng, khi nhổ lên thấy đỉnh sinh trưởng của gừng có nhựa đục. Phòng trị: Đối với loại bệnh này thì việc phòng là quan trọng nhất. Quan sát khi thấy lá gừng có triệu chứng xoắn lá (đây là triệu chứng của bệnh thối củ), thì tiến hành phun các loại thuốc như: Cuproxat, Rampart, Validacin, thuốc vi sinh Trichoderma…để ngừa bệnh. Trong thuốc vi sinh Trichoderma có một loại nấm tên là Trichoderma như tên gọi của thuốc, khi xử lý thuốc để phòng bệnh cho cây trồng thì nấm này cần một thời gian để thích hợp với môi trường trong đất, và nhân mật số lên nhiều hơn thì sau đó mới có tác dụng với bệnh hại.

Wednesday 17 April 2013

Biện pháp quan trọng xóa nghèo, làm giàu


Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu là một trong ba phong trào thi đua trọng tâm của hội nông dân các cấp. Được triển khai sâu rộng, phong trào ngày càng thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia và đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của hội viên nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trang trại cá sấu của anh Trần Ngọc Hiếu xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy.
Nở rộ mô hình sản xuất kinh doanh giỏi
Có dịp đến bất kỳ vùng quê nào trong tỉnh, dù là những xã nội đồng xa trung tâm của huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương hay miền biển Tiền Hải, Thái Thụy, hoặc ngay trên địa bàn Thành phố Thái Bình - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, đều có thể bắt gặp những gia trại, trang trại trù phú, cây cối xanh tươi; những khu chăn nuôi, những bãi đầm với đa dạng phong phú các con vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao; những cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến nông sản, những nhà máy, xí nghiệp mà ông chủ, giám đốc là những hội viên nông dân (ND) chính hiệu. Đó chính là những mô hình, điển hình sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi không ngừng phát triển và nhân rộng; là kết quả của phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu do các cấp hội ND phát động.
Hội ND tỉnh hiện có 279 cơ sở hội và 1.779 chi hội,  327.162 hội viên. Ở cơ sở hội và chi hội nào cũng có những điển hình ND SXKD giỏi. Đó là khẳng định của các đồng chí lãnh đạo Hội ND tỉnh và hội ND các huyện, thành phố. Mỗi dịp đầu năm, 100% chi hội ND dân trong tỉnh tổ chức cho hội viên đăng ký phấn đấu thi đua đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Tính trong bốn năm qua, tổng số lượt hội viên đăng ký SXKD giỏi các cấp là 1.073.044 lượt, trong đó SXKD giỏi cấp tỉnh là 84.772 lượt hội viên, bằng 7,9% so với số đăng ký. Kết quả bình xét suy tôn hội viên ND đạt danh hiệu SXKD giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước, trong tổng số đạt ở cả ba cấp là 566.988 lượt hội viên, thì số đạt danh hiệu cấp tỉnh là 37.462, chiếm 6,6%.
Không chỉ nở rộ về số lượng, chất lượng các mô hình SXKD giỏi cũng được nâng cao. Cuối năm 2012, 6 hội viên ND SXKD giỏi, đại diện các lĩnh vực, mô hình SXKD của Hội ND Thái Bình đã được về Thủ đô Hà Nội dự hội nghị đại biểu ND SXKD giỏi toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ và Hội ND Việt Nam tặng Bằng khen. Tại hội nghị tổng kết phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu toàn tỉnh lần thứ VII (2009 – 2012), 120 hội viên có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho hàng vạn ND SXKD trong tỉnh về dự, được UBND tỉnh vinh danh, khen thưởng. Trong đó, 10 hội viên được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 15 hội viên được Hội ND tỉnh tặng Bằng khen.
Biện pháp quan trọng xóa đói giảm nghèo, làm giàu
Nằm ở ven đường 39B, trang trại cá sấu thuộc Công ty CPTM Vương Thảo do hội viên ND Trần Ngọc Hiếu (xã Thụy Duyên, Thái Thụy) thành lập được nhiều người biết và ngưỡng mộ. Anh Hiếu chọn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp từ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để xóa nghèo, làm giàu. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, hiện anh là giám đốc Công ty CPTM Vương Thảo với vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, trang trại cá sấu quy mô trên 10.000 con, doanh thu trên 30 tỷ đồng. Không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, anh Hiếu còn giúp đỡ trên 150 hộ ND trong, ngoài tỉnh cùng phát triển mô hình chăn nuôi gia trại vệ tinh; tạo việc làm thường xuyên cho 28 đến 30 lao động. Hàng năm tham gia các hoạt động từ thiện trên 50 triệu đồng.
Với mô hình sản xuất bật lửa ga, chiết nạp ga bật lửa, sản xuất áo mưa, sản xuất, mua bán dầu điều, nhập khẩu mỡ cá, hội viên Nguyễn Huy Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Việt (xã Nguyên Xá, Đông Hưng) đã tạo việc làm cho 336 công nhân với thu nhập bình quân 2,6 triệu đồng/người/tháng cùng hàng trăm lao động vệ tinh... Hội viên Phạm Thế Quân (xã Nam Cao, Kiến Xương) thành lập cơ sở sản xuất chăn ga, gối đệm, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động trong vùng, thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Ở xã Song An, huyện Vũ Thư, trang trại của hội viên Trịnh Văn Kim là một trong những trang trại gia cầm, thủy cầm quy mô lớn với trên 2000 con. Anh Kim đầu tư hai máy ấp trứng năng suất 2 vạn trứng/lần, cung cấp con giống chất lượng cho các hộ chăn nuôi trong vùng, doanh thu trung bình 1,2 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn Quỳnh Phụ, nơi nổi tiếng với những cánh đồng 50 triệu trước kia và cánh đồng mẫu lớn hiện nay, phong trào trồng cây màu và cây vụ đông ngày càng phát triển bởi có những "bà đỡ” như chị Vũ Thị Đổ (Quỳnh Hải), anh Phạm Văn Đề (An Cầu)... Hàng năm cơ sở thu mua nông sản của chị Đổ, anh Đề giúp bà con trong vùng tiêu thụ hàng trăm tấn ớt và các loại rau màu nông sản khác, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và cải thiện cuộc sống.
Ngoài hiệu quả từ những mô hình SXKD giỏi, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều hội viên và bà con ND có việc làm ổn định, xóa nghèo, làm giàu, phong trào ND thi đua SXKD giỏi còn đẩy mạnh nội dung thế chấp giúp hội viên vay vốn và vận động hội viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, giúp hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong 4 năm qua, hội ND các cấp đã tín chấp cho 240.993 lượt hội viên vay số tiền 2.386 tỷ đồng; các hội viên đã tương trợ giúp nhau 24.251 triệu đồng, 107.806 ngày công lao động cùng hàng nghìn cây, con giống và nhiều trang thiết bị vật tư khác... Nhiều hộ nghèo đã có động lực, điều kiện vươn lên lao động SXKD có hiệu quả. Tỷ lệ hộ hội viên ND nghèo giảm từng năm, từ 9,76% năm 2010 xuống 8,12% năm 2012, từ đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong tỉnh. Phong trào ND SXKD giỏi đã tạo động lực thúc đẩy ý chí vươn lên làm giàu của hội viên, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống hộ ND, đồng thời thực sự là biện pháp quan trọng giúp hội viên và bà con ND xóa nghèo và làm giàu hiệu quả.
Bài, ảnh: Hà Dung

Nhiều cách làm giàu của nông dân Triệu Phong

Đến nay, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có trên 16.670 hội viên nông dân. Trong những năm qua, bên cạnh việc tổ chức xây dựng hội vững mạnh, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi, được đông đảo hội viên hưởng ứng và tham gia tích cực. Mỗi hội viên đều có một cách triển khai hướng sản xuất, kinh doanh khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính sức lực và trí tuệ của mình. 
Năm 1990, sau khi lập gia đình, chị Phan Thị Ánh Tuyết ở thôn Nhan Biều III, xã Triệu Thượng thuộc diện hộ nghèo của xã. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương, chị Tuyết đã đầu tư lập trang trại nuôi lợn, trồng cao su, trồng rừng. Với diện tích 2,5 ha cao su, sau gần 8 năm chăm sóc đã đến kỳ cho khai thác mủ, mỗi ngày gia đình chị Tuyết thu được 20 kg mủ tươi. Bên cạnh đó 1 ha rừng đã đến kỳ khai thác cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra chị Tuyết còn nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trong chuồng lúc nào cũng có đến 30- 50 lợn bột mỗi lứa. Tính lợi nhuận từ chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm chị Tuyết cũng thu lãi trên 120 triệu đồng. 

Thu hoạch cá từ mô hình trang trại trên vùng cát ở Triệu Phong

Chúng tôi có dịp về thăm mô hình trang trại nuôi trồng tổng hợp của anh Trần Văn Thiệu ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa. Năm 2005, thực hiện chủ trương đổi thửa, dồn điền, anh Thiệu đã mạnh dạn đấu thầu vùng đất hoang hóa cằn cỗi 0,8 ha để xây dựng trang trại. Sau 7 năm gây dựng, một mô hình trang trại khép kín đã hình thành. Trên diện tích 0,8 ha, anh quy hoạch thả nuôi trên 2 vạn cá giống các loại, xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái ngoại, gà, vịt đàn. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn và chuyển giao kỹ thuật từ Hội Nông dân nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, mỗi năm từ trang trại này anh Trần Văn Thiệu có tổng nguồn thu trên 600 triệu đồng. 

Không chỉ phát triển kinh tế ở vùng gò đồi, đồng bằng, những năm qua nông dân trên địa bàn huyện đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng cát ven biển để vươn lên ổn định cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, anh Lê Đình Vững ở thôn Bồ Bản, xã Triệu Trạch đã quyết tâm lập nghiệp ngay trên vùng cát trắng quê mình. Năm 2008, khi được sự đồng ý và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh Vững bắt tay xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vườn- ao- chuồng (VAC) trên vùng cát tại thôn An Trạch, xã Triệu Trạch. Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm nhưng bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh đã vượt qua và xây dựng thành công mô hình kinh tế của mình. Giờ đây, trang trại rộng 3 ha kết hợp nuôi gà, cá và trồng dưa hấu, mỗi năm đem lại thu nhập cho anh hàng trăm triệu đồng. 

Với đặc thù của một huyện có 3 vùng kinh tế khá rõ rệt, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã vận động hội viên nông dân khai thác tốt tiềm năng lợi thế của từng vùng để phát triển kinh tế. Từ những mô hình sẵn có, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại cây con mới vào thâm canh, mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về cách làm ăn, làm giàu. Đến nay huyện Triệu Phong có trên 7.000 hộ nông dân đạt tiêu chí hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi các cấp, tăng 2.053 hộ so với năm 2007, trong đó hộ đạt tiêu chí cấp Trung ương có 44 hộ, có 304 hộ đạt tiêu chí cấp tỉnh, 937 hộ đạt tiêu chí cấp huyện và 5.723 hộ đạt tiêu chí cấp xã. 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân Triệu Phong tiếp tục đưa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi đi vào chiều sâu, phấn đấu hàng năm tăng từ 5-10% hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp. Để đạt được mục tiêu đó, hội đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục tuyên truyền, vận động, biểu dương khen thưởng kịp thời những hộ nông dân làm ăn hiệu quả; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của hội viên nông dân, giúp đỡ nhau trong làm ăn, mở mang ngành nghề, đồng thời du nhập thêm nghề mới, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại có quy mô sản xuất hàng hóa, đem lại lợi nhuận cao cho hội viên nông dân. 

                                                               Bài, ảnh: LÊ CẢNH THU

LÀ NGƯỜI GIÀU


Người giàu là ai chúng ta đã có định nghĩa rõ ràng của Tư duy Thịnh vượng nói chung và trong bài“Người giàu” vừa qua. Việc người nghèo có định nghĩa Người giàu rõ ràng và sử dụng nó trong cuộc sống giúp người nghèo một điều cực kỳ quan trọng: người nghèo nhìn ra những người giàu đích thực, những người giàu mà họ thực sự muốn trở thành. Và cùng lúc đó, họ tìm ra những người thầy thực cho mình trên con đường đi đến ước mơ thịnh vượng luôn cháy bỏng  của mình!
Nếu không có định nghĩa Người giàu rõ ràng, người nghèo một là sẽ không nhìn ra những người giàu đích thực để học theo, hai là sẽ có ước mơ cháy bỏng nhưng không nhất quán về sự thịnh vượng cho mình và người thân: một mặt người nghèo muốn được giàu có như người giàu, một mặt người nghèo căm ghét người giàu, nhìn họ là nguyên nhân của mọi điều xấu xa… nên không muốn Là Người giàu!
Điều đó chẳng phải là vô cùng quan trọng với người nghèo sao?
Như vậy, có định nghĩa người giàu rõ ràng, người nghèo sẽ thấy Người giàu là những ngừơi rất tốt, chắc chắn tốt hơn người nghèo nhiều, vì nhiều lý do mà chúng ta sẽ nói ở đây. Vì thế, với TDTV chúng ta mới coi Người giàu là những người thầy, mới học theo họ, mới coi Là Người giàu là việc rất nên làm, là đáng tự hào, thay vì tự hào là người nghèo.
Thế nhưng, Người giàu tốt như thế nào? Tại sao Là Người giàu là tốt?  Đó là điều chúng ta sẽ cùng khảo sát trong bài này.
Là người giàu là trở thành Người giàu từ trong tâm thức, là có tâm thức giàu, có tâm thức của người giàu, có tâm thức Thịnh vượng, và Hành vi Thịnh vượng.
Tâm thức của người giàu là tâm thức gì và như thế nào?
Với vế hỏi thứ nhất, “Tâm thức của Người giàu là gì?”, chúng ta trả lời: Đó là 18 tâm thức đặc trưng của người giàu, do người giàu thường lựa chọn thế, trong các vấn đề liên quan đến tài chính, thói quen làm giàu và quản lý tiền của và sự giàu có…, và chúng chính là nội dung khảo sát chính trong các Khóa Đào tạo Tư duy Thịnh vượng của Công ty TDTV của chúng ta.
Trong khuôn khổ bài này chúng ta không thể nói hết 18 tâm thức đó, vì thế, chúng ta chỉ gọi tên 18 tâm thức giàu đó và nói ra những đặc điểm chính chúng của chúng.
Tại sao lại là 18 chứ không phải 17 hay 19 tâm thức cơ bản của Người giàu?
Trong cuốn Bí quyết Tư duy Thịnh vượng tôi dịch của ông T.Harv Eker, chỉ có 17 tâm thức chính của Người giàu được nêu ra. Nhưng qua nhiều năm quan sát và chia sẻ TDTV đến nay, tôi TTN thấy Người giàu còn có một tâm thức cơ bản nữa mà người nghéo không có, rất đặc trưng cho Người giàu, nên tôi mạn phép thầy mình, bổ sung thêm Tâm thức thứ 18, nhưng đó là chỉ là bổ sung trong các khóa Đào tạo  TDTV của tôi, do tôi tự thực hiện thôi. Đối với tôi, việc này khá quan trọng. Chính nhờ có tâm thức này tốt mà hôm nay tôi mới có Trung tâm và Công ty TDTV để chia sẻ nội dung TDTV với các bạn trẻ. Và cũng chính nhờ có tâm thức thứ 18 này tốt, nhớ lại tôi mới thấy, nó mang lại cho tôi rất nhiều thành công trong quá khứ. Trước khi đến với hay tìm ra TDTV, tôi chỉ có vẻn vẹn 3 tâm thức là tốt, kể cả tâm thức thứ 18, thế mà chúng đã giúp tôi khá thành công, nên tôi biết ơn, tự hào về chúng vô cùng…
Tôi thấy không hẹn mà gặp, các học trò thành công sớm của tôi cũng đều có tâm thức thứ 18 này rất tốt, nhất là các bạn Nguyễn Chí Linh, Nguyến mạnh Hà, Nguyễn Quang Ngọc, Quỳnh Anh (BestWorld)…
Mười tám Tâm thức Giàu của Người giàu đó là:
1)      Người giàu tin rằng họ tạo ra cuộc sống của mình;
2)      Người giàu luôn làm việc, phấn đấu để chiến thắng trong kinh doanh và cuộc sống;
3)      Người giàu luôn quyết tâm hành động làm giàu đến cùng;
4)      Người giàu luôn có suy nghĩ lớn để hành động lớn;
5)      Người giàu luôn biết tập trung vào Cơ hội;
6)      Người giàu luôn ngưỡng mộ những người giàu có và thành công;
7)      Người giàu luôn kết giao để học hỏi những người giàu có, thành công;
8)      Người giàu luôn sẵn sàng tôn vinh quảng bá gía trị của mình;
9)      Người giàu luôn đứng cao hơn các vấn đề của họ;
10)   Người giàu luôn biết đón nhận;
11)   Người giàu luôn chọn vì tin tưởng rằng mình sẽ đạt được cả hai, ba, bốn…mục tiêu!
12)   Người giàu luôn chọn được trả công theo kết quả (trả sau);
13)   Người giàu luôn tập trung vào xây dựng tổng tài sản của mình;
14)   Người giàu luôn có thói quen quản lý tốt tiền và tài sản của mình;
15)   Người giàu luôn biết bắt đồng tiền làm việc và sinh sôi cho mình;
16)   Người giàu luôn biết cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi;
17)   Người giàu luôn liên tục học hỏi và tự học để phát triển; và
18)   Người giàu luôn biết chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về kinh doanh, đầu tư, về cuộc sống của mình để nhận lại nhiều hơn!
Những đặc điểm chung và chính của 18 Tâm thức Giàu của người giàu là gì?
Đó là:
-          Chúng chỉ là sự lựa chọn của Người giàu, và
-          Họ lựa chọn vì chúng hỗ trợ Người giàu đạt được sự Thịnh vượng thay vì cản trở họ,
-          Đó là: Vì chúng thuận theo các Qui luật Cơ bản nhất của Tự nhiên,
-          Tức là: Chúng được cả các Qui luật của Tự nhiên hỗ trợ,
-          Tức là nhờ có Tâm thức Giàu có đó Người giàu được cả Tự nhiên hỗ trọ họ sống Thành công, hạnh phúc.
Nói cách khác, Tâm thức Giàu, Tâm thức Thịnh vượng chính là công cụ để người giàu khai thác các Qui luật mạnh mẽ chi phối mọi điều trong Tự nhiên, cho lợi ích mà Người giàu mong muốn: đó là có cuộc sống Thịnh vượng.
Và các Qui luật cơ bản mạnh mẽ của Tự nhiên đó là, chúng ta cùng nhắc lại, nhé:
-          Qui luật Nhân quả;
-          Qui luật Hiện hiện;
-          Qui luật Nghiệp quả;
-          Và các Định luật khác của Tự nhiên: Nhất quán, Tập trung, Hấp dẫn, Cân bằng Năng lượng, Trong ngoài, Trước sau, Khoảng trống, Đa giá trị, Thói quen, Cộng hưởng, Nội dung và Bối cảnh, Ấn tượng Đầu tiên…
Có tâm thức Giàu thì tất yếu bạn sẽ có những hành vi tương ứng, rất thịnh vượng, giàu có. Đó là những hành vi, hành động mang lại sự Thịnh vượng cho mỗi người và cho tất cả, cùng lúc.
Có tâm thức Thịnh vượng, Người giàu có thể và luôn cho và nhận, chia sẻ và học hỏi, yêu quí bản thân và giúp đỡ người khác, đầu tư và hưởng thụ, tự chịu trách nhiệm và chấp nhận mọi rủi ro, luôn quyết tháng nhưng rất biết chấp nhận thất bại, luôn ngưỡng mộ người giàu và yêu thương người nghèo, luôn biết đón nhận và cũng làm từ thiện hết lòng, luôn cố gắng có được cả hai, ba, bốn mà vẫn rất tập trung, luôn quản lý tốt tiền để rất hào phóng, luôn hành động bất chấp sợ hãi mà vẫn kiểm soát rủi ro, luôn bắt đồng tiền sinh sôi và mình vẫn lao động say mê, luôn xây dựng tổng tài sản của mình mà vẫn đóng góp và để lại cho xã hội nhiều giá trị lớn lao…
Và Người giàu sống và làm như thế một cách tự nhiên, vô thức và ý thức – vì trong các thức của họ (vô thức, ý thức, tiềm thúc…) luôn luôn là tâm thức Giàu có vận hành. Hành vi Giàu có trở thành đặc điểm cố hữu của người giàu vì Tư duy Giàu có là đặc tính suy nghĩ của Người giàu.
Đó chính là Là Người giàu. Là người giàu là sống bằng Tâm thức giàu.
Sống như thế quả thật là đáng sống!
Sống như thế hay không hoàn toàn do lựa chọn của bạn.
Bạn có cách sống nào đáng sống hơn xin hãy chia sẻ cùng chúng tôi?!
Là Người giàu là sống với Tư duy Thịnh vượng –  tư duy Giàu có.

Làm giàu từ trồng rau gia vị


Đó là cách làm giàu của chị Vũ Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến (thị xã Lai Châu). Trên diện tích hơn 5.000m2, từ trồng rau gia vị, trừ mọi chi phí, mỗi năm chị thu được hơn 200 triệu đồng.
Chị Oanh kể lại: tôi sinh ra ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), năm 2002,  cùng gia đình đến định cư ở thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ). Năm 2009 chuyển về thị xã Lai Châu. Qua đọc sách, báo, xem tivi tôi được biết rau gia vị cho thu nhập cao gấp 8 lần so với trồng lúa, gấp 3 lần các loại rau khác song đòi hỏi đất phải tơi xốp, được chăm bón cẩn thận. Thấy diện tích đất quanh nhà rộng, lại có điều kiện về nước tưới nhưng lại nhiều đá sỏi nên tôi bàn với chồng cải tạo đất để trồng rau.
Chị Oanh thu hoạch cà rốt.
Thế rồi anh chị bắt tay vào cải tạo đất vườn, nhặt bỏ hết đá sỏi rồi chở đất mùn ở nơi khác về, đánh luống. Sau đó lấy trấu rải trên từng luống để giữ cho đất luôn tơi xốp, ủ phân xanh, phân chuồng để chăm bón rau. Khâu chọn giống rau chị cũng chọn kỹ lưỡng để đảm bảo yêu cầu. Các loại rau được quy hoạch riêng mỗi loại 1 khu vực như: hành, thì là, cà rốt, kinh giới, cần tây, tỏi… Chị còn đầu tư 2 triệu đồng làm hệ thống tự động tưới xung quanh vườn và học hỏi thêm cách chăm bón rau gia vị đúng quy trình kỹ thuật.
Theo chị Oanh thì rau gia vị dễ chăm sóc, gieo trồng mà lại ít sâu bệnh hơn các loại rau khác, chỉ đòi hỏi công chăm bón thường xuyên hơn. Dưới bàn tay cần cù của chị, mùa nào thức ấy, vườn rau gia vị với đủ các chủng loại luôn xanh tốt. Ngày ngày, người dân trong xóm đều thấy anh, chị cặm cụi chăm bón, thu hoạch rau để mỗi ngày 2 lần, chị chở rau đến bán đổ cho các quán ăn, sạp hàng rau của các chợ.
Từ mỗi luống hành, chị Oanh thu nhập 2 triệu đồng/vụ.
Tiếp xúc với chị Oanh chúng tôi thấy ở chị không chỉ toát lên phẩm chất chăm chỉ, chịu thương chịu khó mà còn có sự linh hoạt, nhaỵ bén với thị trường. Chị Oanh tâm sự: “Tôi nghĩ khi nuôi trồng bất kỳ loại cây, con nào, việc tìm thị trường tiêu thụ rất quan trọng. Riêng rau gia vị lại có thị trường khá rộng lớn vì 1 loại rau có thể dùng chế biến trong nhiều món ăn khác nhau. Mỗi ngày ở chợ các phường: Đoàn Kết, Quyết Thắng, Tân Phong, số lượng rau ăn sống bán ra khá lớn vì có lượng người tiêu thụ cao. Ngoài ra các món canh, món xào, làm nộm, nước chấm… cũng không thể thiếu rau gia vị. Tôi thường bán đổ các loại rau gia vị với giá 10 - 15 nghìn đồng/kg (giá trên thị trường là 20 – 25 nghìn đồng/kg). Với giá như vậy, chỉ 1 luống hành có chiều rộng 1,5m, dài 7m, khi gieo giống dày, tôi thu được 2 triệu đồng”.
Nhưng cũng theo chị Oanh thì rau gia vị luôn phải đảm bảo là rau “sạch”. Bởi nếu lạm dụng thuốc hóa học kích thích rau tăng trưởng, sẽ mang lại hậu quả khôn cùng nếu người tiêu thụ dùng để ăn sống. Chị luôn tự nhủ để có thị trường ổn định, mình phải chăm bón rau cẩn thận, đảm bảo rau không bị sâu bệnh và không sử dụng các loại thuốc hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì có như thế, người tiêu thụ mới yên tâm mua hàng của mình lâu dài.
“Chị Oanh là người phụ nữ dám nghĩ, dám làm giàu trên đá sỏi từ những luống rau gia vị. Cách làm của chị Oanh đã góp phần mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của phường. Không chỉ chịu khó làm kinh tế, chị Oanh còn là hội viên tiêu biểu của tổ tôi về cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Gia đình chị luôn đầm ấm, được bà con lối xóm yêu mến vì cách sống giản dị, hòa đồng, luôn sẵn lòng chia sẻ cách làm kinh tế, giúp hội viên phụ nữ về giống, vốn để cùng phát triển…” – đó là nhận xét của chị Cao Thị Minh – Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 2.
Với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, mô hình trồng rau gia vị của gia đình chị Oanh được nhiều chị em trong Chi hội Phụ nữ phường tìm đến học hỏi, làm theo. Tin rằng thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng, đủ sức cung ứng cho thị trường toàn thị xã, không phải nhập rau gia vị từ các tỉnh thành khác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Mây Trắng

Ứng dụng luật hấp dẫn trong kinh doanh và làm giàu


Với hy vọng giúp các doanh nghiệp nhỏ chinh phục khách hàng và nhanh chóng kiếm được đơn hàng, chúng tôi đã tìm gặp Crews để tìm hiểu bí quyết kể chuyện của cô ấy. Dưới đây là những gì Crews chia sẻ.
Ứng dụng luật hấp dẫn trong kinh doanh và làm giàu
Ứng dụng luật hấp dẫn trong kinh doanh và làm giàu
Có thể bạn đã nghe nói đến thuật ngữ ‘elevator pitch’ (chào hàng trong thang máy). Thường bạn mất khoảng 30 giây để đi thang máy từ tầng này lên tầng khác và chào hàng trong thang máy tức là bạn chỉ có chừng ấy thời gian để giới thiệu về sản phẩm, doanh nghiệp của mình với khách hàng. 30 giây thôi nhưng có thể giúp đưa bạn từ những nấc thang thấp nhất lên những nấc thang cao hơn hẳn trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Song, sẽ sao đây khi như mà lời giới thiệu của bạn hơi bị nhạt nhẽo và thiếu sức sống?
 
Kambri Crews là tác giả được biết nhiều đến với cuốn tự truyện Burn Down the Ground (Villard, 2012) – dịch nôm na là ‘Đốt cháy khán phòng), trong đó cô kể lại thời niên thiếu đầy sóng gió của mình ở bang Texas quê mùa trong một gia đình bố mẹ khiếm thính. Ngoài đời thực, cô cũng không kém phần nổi tiếng với vai trò là chủ công ty Ballyhoo Promotions, một công ty ở New York (Mỹ) chuyên về các sản phẩm tấu hài. Bản thân Crews cũng là một người rất có tài kể chuyện và đã từng trực tiếp tham gia biểu diễn tấu hài trước đông đảo khán giả. 
 
Với hy vọng giúp các doanh nghiệp nhỏ chinh phục khách hàng và nhanh chóng kiếm được đơn hàng, chúng tôi đã tìm gặp Crews để tìm hiểu bí quyết kể chuyện của cô ấy. Dưới đây là những gì Crews chia sẻ. 
 
1.Tập trình bày trước: Viết để đọc khác hẳn với viết để nghe, cũng giống như một bài báo khác với một câu truyện trên truyền hình hay một tờ rơi khác với một clip quảng cáo. Vì thế, hãy điều chỉnh bài nói của mình để tránh bị cứng nhắc và chung chung. Tất nhiên bạn nên trung thành với kịch bản nhưng cũng đừng gặp ai cũng nhai mãi một bài. Hãy nhớ rằng bài nói của bạn không phải là bản sao của tờ catalogue công ty. 
 
2. Sử dụng gạch đầu dòng: Bạn đừng bao giờ lặp lại như cái máy những gì bạn chuẩn bị trước. “Nếu bạn nói như kiểu học thuộc lòng, bạn sẽ làm người nghe chán ngán và mất tập trung” – Crews giải thích. “Bạn sẽ muốn có những lúc ngẫu hứng với khán giả bởi khi đó sự hưởng ứng của họ sẽ lớn hơn rất nhiều”. Hãy cố gắng thả lỏng và nói một cách tự nhiên. Thường xuyên nhìn vào mắt người mà bạn đang nói chuyện. Để khỏi quên, hãy gạch đầu dòng những điều bạn muốn nói vào một mảnh giấy. Nhớ mang theo mình mảnh giấy đó để khi nào cần còn có thứ mà xem lại.
 
3. Mở đầu ấn tượng, kết thúc rõ ràng: Theo Crews, đoạn đầu bài nói của bạn phải ‘câu kéo’ được người nghe trong khi phần kết – phần kêu gọi hành động – phải đanh thép, rõ ràng. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các nhà sản xuất tại Moth – công ty sở hữu hàng chục ngàn câu chuyện kỳ thú được thành lập từ năm 1997 và có trụ sở ở New York – điều mấu chốt của mỗi câu chuyện là bạn phải cho người nghe thấy tại sao họ cần quan tâm đến câu chuyện của bạn? Họ được gì và mất gì ở đó? 
 
4.  Làm cho câu chuyện cụ thể, trực diện: Lời khuyên của Crews là tìm cách tạo ra mối liên hệ đặc biệt giữa khách hàng với sản phẩm và dịch vụ bạn đang bán. Chẳng hạn, nếu bạn đang bán thiết bị trợ thính, bạn có thể trích dẫn những nghiên cứu, thử nghiệm, liệt kê những ưu, nhược điểm, nhưng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn cho khách hàng xem một đoạn video quay cảnh một em bé được nghe tiếng mẹ nói lần đầu tiên trong đời nhờ cấy ghép thiết bị trợ thính. Theo Crews, những câu chuyện cụ thể, trực diện giúp khách hàng nhớ lâu hơn và thiện cảm hơn với doanh nghiệp, sản phẩm.

Nguồn tin: kienthuckinhte.com

Tuesday 16 April 2013

'Tay trắng' vẫn có cách mua nhà Hà Nội


Theo VTC News
Làm thế nào để mua nhà với hai bàn tay trắng

Dùng chính căn nhà đang mua làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng hay dùng đất ở quê để đổi đất thành phố, độc giả hiến kế cho những người hai “bàn tay trắng” muốn mua nhà Hà Nội.
Dùng nhà mua làm tài sản thế chấp
Độc giả Nguyễn Văn Kiên đưa ra cách mua nhà dùng chính ngôi nhà đang mua làm tài sản thế chấp. Với cách làm này, bên bán nhà cũng yên tâm vì khi cần thiết có thể lấy lại nhà đã bán nếu người mua không thể trả được tiền nhà.
Giá bán nhà = giá gốc hàng hóa + lợi nhuận phù hợp + lãi suất trả chậm (đề xuất theo lãi suất tiền gửi của ngân hàng).
Với cơ cấu giá như thế này, giá bán nhà có thể lùi về mức thấp nhất có thể vì đã giảm trừ được chi phí ngân hàng.
Về vốn đối ứng, không yêu cầu phải thanh toán trước hoặc nếu có thì chỉ phải thanh toán trước một khoản vừa phải (đề xuất khoảng tối đa 20%).
Với phương thức trả trước như thế này, người mua nhà có thể không cần vốn đối ứng hoặc chỉ cần khoản vốn đối ứng vừa phải là có thể có đủ điều kiện để mua nhà.
Phương thức thanh toán sẽ theo tháng, theo quý hoặc theo năm (đề xuất trong khoảng từ 5 đến 15 triệu đồng/tháng, tùy cấp nhà).
Với phương thức thanh toán này, người mua nhà có thể sử dụng tiền thuê nhà hàng tháng (khoảng 3 đến 5 triệu đồng/tháng) và chỉ cần bù thêm một khoản tiền nữa là có thể thanh toán tiền mua nhà hàng tháng. Tài sản bảo đảm sẽ chính là căn nhà đang mua.
Giải pháp trên có thể giúp các công ty kinh doanh bất động sản (hoặc người có bất động sản cần bán) có thể bán được hàng, giảm áp lực hàng tồn kho, phần nào khơi thông nguồn vốn đóng băng.
Trong khi người có nhu cầu thật sự về nhà ở nhưng có thu nhập thấp có thể mua được nhà, có nhà để sử dụng, có thể tận dụng tất cả các nguồn lực của mình để thanh toán tiền mua nhà.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng cần phải lưu ý một số vấn đề như: Các công ty kinh doanh bất động sản không phải là các tổ chức tín dụng nên không thể nhận tiền lãi trả chậm theo phương thức thông thường được. Vì vậy, lãi trả chậm sẽ được tính toán minh bạch và sẽ được cộng vào giá bán.
Do bên mua nhà sẽ thế chấp bằng chính tài sản mua được nên cần có cơ chế pháp lý để đảm bảo quyền lợi của người bán nhà. Cụ thể, cần có cơ chế pháp lý cho phép các bên có thể ký hợp đồng mua bán nhà cùng lúc với ký hợp đồng thế chấp nhà.
Người mua nhà cần được giao nhà để sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí thuê nhà, tạo điều kiện tập trung vào thanh toán tiền mua nhà hàng tháng.
Với phương thức trên, độc giả Kiên cho rằng, hoàn toàn khả thi để những gia đình có thu nhập khoảng từ 10 triệu đồng trở lên có thể mua nhà.
Dùng đất ở quê đổi đất thành phố
Độc giả Datnguyen203 thì lại đưa ra phương án dùng đất đổi đất, kéo đất từ xa về gần Hà Nội.
Độc giả này cho biết: “Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tôi hiện nay chỉ khoảng 20 triệu và chúng tôi đã có hai bé. Vì vậy, hai vợ chồng tôi hầu như không tiết kiệm được thêm từ khoản lương hàng tháng”.
Tháng 10/2011, độc giả Datnguyen203 được bố mẹ chia cho một khoản tiền là 450 triệu từ tiền bán đất ở quê. Sau 2 tháng gửi tiết kiệm số tiền đó để tìm nhà, độc giả này nhận thấy nếu cứ tiếp tục đi làm và mong chờ số tiền 450 triệu cộng thêm thu nhập hàng tháng thì mua nhà ở thủ đô là không thể.
Theo đó, anh bắt đầu tìm hiểu bạn bè để gia tăng khoản tiền tiết kiệm của mình. Tới thời điểm tháng 10 năm nay, số tiền tiết kiệm đó đã tăng lên đáng kể, khoảng 720 triệu do đầu tư đúng chỗ, đúng cách.
“Nếu số tiền chưa đủ để mua nhà, hãy tạm gác lại ý định đó. Trong trường hợp có thể vay được vốn ngân hàng để mua nhà đi nữa thì khoản nợ phải trả ngân hàng hàng tháng, hàng năm sẽ khiến chúng ta phải vất vả nhiều năm sau đó” độc giả này khuyên.
Không ai biết trước được thu nhập lương hàng tháng của mình có ổn định như mình dự tính hay không. Nếu có biến cố gì trong công việc, thu nhập sụt giảm thì khả năng lại phải bán lại căn nhà vừa mua được do vốn vay ngân hàng là rất cao.
Cách khả thi hơn, hãy tìm cách dùng đất đổi đất, kéo đất từ xa về gần Hà Nội. Với 600 triệu đã có cộng với khoản tiết kiệm từ lương của hai vợ chồng sau 6 tháng nữa, bạn có 700 triệu, hoàn toàn có thể tìm mua những mảnh đất hoặc nhà ở xa trung tâm chẳng hạn.
Nếu thiếu tiền, bạn có thể vay thêm anh em, họ hàng vài chục triệu cho đến 100 triệu rồi trả dần. Cách này vẫn tốt hơn rất nhiều lần đi vay ngân hàng bạn nhé. Tôi ước tính với 800 triệu, bạn hoàn toàn có thể đầu cơ đất và bán lại ngay khi có lãi.
Giá nhà đất ở khu trung tâm Hà Nội có thể đóng băng nhưng ở ngoại thành và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh... có thể không gặp tình trạng như vậy.
Mua nhà với lương 7 triệu đồng/tháng
Còn theo độc giả Lê Minh, chị có mua được 2 căn hộ, 1 căn ở Hà Nội, 1 căn ở TP.HCM với đồng lương 7 triệu đồng/tháng.
Để có tiền mua nhà, chị Minh sống rất tiết kiệm, chỉ chi tiêu cho con và gia đình. Ngoài ra, chị làm thêm nhiều việc để có tiền như viết thuê dự án, vẽ thuê, thiết kế, phân tích thông tin để mua - bán vàng.
Khi có tiền tích lũy, chị Minh vay thêm ngân hàng để mua đất. Ban đầu, chị mua miếng đất có giá trị nhỏ, khi có lời, chị lại bán đi v.v…
"Chưa bao giờ tôi để đủ tiền mới mua tài sản. Thường gần đủ tiền, tôi sẽ vay thêm ngân hàng rồi sau đó trả nợ dần hàng tháng. Cứ như thế, tôi dần tích lũy được", chị Minh tâm sự.
Đến nay, hơn 20 năm ra trường, dù chưa phải là giàu, song chị Minh có đủ tiền để nuôi con, có thể cho con đi du lịch, cho con học đầy đủ, có 2 căn nhà (1 căn 4 tầng ở khu đô thị của Hà Nội, 1 căn ở TP.HCM), có đất ở Hà Nội …
"Tôi không phải là doanh nhân, song nhờ chăm chỉ và tiết kiệm, tôi đã có nhà và đất ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Chỉ cần không ngại khổ, suy tính cẩn thận và sống tiết kiệm, bạn sẽ có được điều bạn muốn", chị Minh chia sẻ.
Không được vội vàng
Độc giả có nickname Heaventa thì cho rằng, vấn đề quan trọng là không được vội vàng khi “tay không mua nhà”.
Theo độc giả này, bước đầu tiên là phải tiết kiệm số tiền mình kiếm được hàng tháng, tỷ lệ tối thiểu là 10% số tiền kiếm được, đa phần mọi người đều làm ngay được bước này, dù họ chỉ là một cán bộ công chức hay một chuyên gia kỹ thuật cao cấp, hay một người công nhân lao động bình thường, một số người làm công (của các tập đoàn lớn hoặc các công ty liên doanh) có mức thu nhập cao có thể có mức dành dụm đến 40% - 50% tiền lương, những người làm chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ hoặc các chủ doanh nghiệp thì mức dành dụm còn cao hơn nữa trên mức thu nhập lợi nhuận của họ.
Sau đó, dùng số tiền tiết kiệm này tái đầu tư để sinh ra các nguồn thu nhập mới một cách thụ động (tức là các khoản thu nhập tự động sinh đẻ ra theo thời gian mà không cần người chủ đầu tư phải bỏ sức lao động), mức dành dụm tiết kiệm càng cao thì dòng thu nhập thụ động sẽ càng ngày càng lớn.
Có nhiều cách để có dòng thu nhập này, từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô rất nhỏ đến quy mô rất lớn, và dù cách nào và quy mô nào thì cũng đòi hỏi yếu tố thời gian, không có cách nào làm giàu cực nhanh và dễ dàng cả.
“Đây là bước làm ai cũng có thể làm được, nhưng vẫn có một số người bị thất bại bởi sự thiếu kiên nhẫn cũng như căn bệnh muốn “làm giầu cực nhanh”, họ không chịu “chờ đợi”, độc giả này nhấn mạnh.
Sau khi đã có dòng thu nhập này và mức lợi nhuận ổn định thì nên tìm các dự án nhà giá rẻ, tùy theo túi tiền mà lựa chọn diện tích phù hợp. Nên mua nhà chung cư đóng làm nhiều đợt để chia nhỏ lượng tiền phải đóng.
Tác giả: Châu Anh