Thursday 28 February 2013

Người nhập cư làm giàu cho kinh tế Mỹ


Đối với nhiều người Mỹ, “người nhập cư” gắn liền với những người giúp việc không giấy phép, người lao động tha hương và những kẻ buôn ma tuý vượt biên từ trạm kiểm soát biên giới ở sa mạc Tây Nam.

Đó là lý do Quốc hội Mỹ còn e ngại giải quyết khoảng 11 triệu người nhập cư Mỹ trái phép, hay sửa đổi một loạt những chính sách nhập cư không còn phù hợp.
Tuy nhiên, lối thoát cho sự bế tắc này đang dần hé mở. Một nhóm thượng nghị sĩ của hai Đảng đã thống nhất phác thảo cho một bộ luật và Tổng thống Barack Obama cũng dự định chi tiền cho những kế hoạch cải tổ của riêng ông. Động lực cho những động thái này đến từ vai trò quyết định của cộng đồng cử tri gốc Latinh và những cử tri thuộc những nhóm thiểu số khác trong việc đưa Obama lên ngôi Tổng thống vào kỳ bầu cử năm ngoái.
Người nhập cư Mỹ giúp Barack Obama lên ngôi Tổng thống năm 2012. Ảnh: USNews
Người nhập cư Mỹ giúp Barack Obama lên ngôi Tổng thống năm 2012. Ảnh: USNews
Tranh luận chính trị về nhập cư sẽ vẫn gay gắt và nhiều mâu thuẫn. Nhiều cử tri Mỹ quy kết việc nhập cư trái phép là hệ quả của các chính sách khuyến khích người nước ngoài vào Mỹ. Đây là hai vấn đề khác hẳn nhau, và có nhiều bằng chứng thể hiện nhập cư hợp pháp có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Thực tế, đưa ra giới hạn nhập cư thậm chí sẽ ngăn tăng trưởng việc làm và làm nước Mỹ kém cạnh tranh hơn.
Đóng góp lớn nhất của người nhập cư vào nền kinh tế Mỹ là mở ra các doanh nghiệp mới. Theo một nghiên cứu phát triển doanh nghiệp của Kauffman Foundation, người nhập cư có xu hướng kinh doanh cao gấp đôi người Mỹ. Khoảng cách này đã tăng trong 10 năm vừa qua. Trong những nhóm thiểu số, người Latinh có tỷ lệ mở doanh nghiệp cao nhất.
Doanh nghiệp mới đóng vai trò sống còn trong một nền kinh tế năng động, bởi họ phát triển nhanh hơn và tạo nhiều việc làm hơn những mô hình kinh doanh đã phát triển. Điều này càng đúng trong hoàn cảnh các công ty quốc tế lớn cắt giảm quy mô trong 5 năm vừa qua.
Doanh nghiệp mới được chia làm hai loại: sử dụng công nghệ thấp và sử dụng công nghệ cao. Các công ty ít sử dụng kỹ thuật do người nhập cư mở thường là các nhà thầu khoán, salon chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng hay cửa hàng tiện ích. Dù không phải là những ông lớn như Exxons hay Apples, những doanh nghiệp này tuyển dụng hàng triệu người Mỹ, gồm lao động chân tay hay thanh niên làm việc để kiếm tiền tiêu hoặc học phí. Trong những năm vừa qua, số lượng các công việc loại này thiếu hụt trầm trọng tại Mỹ.
Lo lắng lớn hơn đến từ việc tỷ lệ người nhập cư mở doanh nghiệp công nghệ cao ở Silicon Valley hay các nơi khác đang giảm dần. Người nhập cư là nòng cốt của những công ty Mỹ lớn như Intel, Google, Yahoo!, eBay và rất nhiều hãng khác. Trong những năm 80 và 90, các doanh nghiệp mới do người nhập cư mở mọc lên khắp nơi tại Mỹ, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nước này.
Nhưng theo Kauffman và các chuyên gia, các chính sách hạn chế nhập cư theo sau vụ khủng bố 11/9/2001 đang tạo ra hiện tượng “chảy máu chất xám ngược”. Một nghiên cứu năm 2012 của Kauffman chỉ ra tỷ lệ các doanh nghiệp công nghệ cao mới của người nhập cư đã giảm đáng kể ở Silicon Valley và chững hẳn ở những địa phương khác ở Mỹ.
Điều này không có nghĩa người Mỹ đang mở thêm nhiều công ty loại này và thay đổi nền kinh tế. Mặt khác, những cá nhân sáng tạo từ Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu hay những nơi khác chỉ đang dành thời gian học tập ở Mỹ, sau đó hồi hương và khởi tạo doanh nghiệp ở quê nhà. Những công ty mới này thường chuyên về sinh học, sản xuất công nghệ cao, phát minh điện tử…, những lĩnh vực sẽ trở thành ưu tiên quốc gia và tạo ra các nhà lãnh đạo nền kinh tế thế giới.
Từ quan điểm kinh tế, vấn đề lớn nhất hiện nay của Mỹ là phải cho phép những đối tượng nhập cư có kỹ năng hoặc được giáo dục cao ở lại, hơn là đưa ra những hạn chế về số lượng visa gia hạn hàng năm cho người đủ điểu kiện. Đã có những đề nghị với Quốc hội Mỹ để tăng hạn ngạch mỗi năm, nhưng những chỉ tiêu này từ lâu đã gắn với các tranh luận hóc búa về việc giải quyết 11 triệu người nhập cư trái phép. Các nhóm kinh tế từ lâu đã giục Quốc hội nước này phải chia tách hai vấn đề và nhanh chóng đưa ra một nghị quyết mở cửa nhập cư với những đối tượng tài giỏi và có năng lực.
Có những lo lắng xác đáng về khủng bố và tội phạm, về gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội vốn dựa trên mức thuế cao. Những quan ngại này tất phải được đưa vào các gói cải cách.
Nhưng nhìn rộng ra, nền kinh tế Mỹ có thể được lợi từ các chỉ tiêu cho phép nhiều người đến Mỹ, tiêu dùng, định cư tại đây và đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế. Các chính trị gia cần chỉ ra rằng dân số đông kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tỷ lệ sinh cao giúp trẻ hoá quốc gia. Nước Mỹ có thể cần hạn chế các gói trợ cấp chính phủ, nhưng cũng cần nhiều hơn nữa người lao động để chi trả cho phúc lợi xã hội và y tế khi thế hệ thời bùng nổ dân số đã về hưu. Nhiều người nhập cư sẽ đồng nghĩa thêm nhiều người chia sẻ gánh nặng này.
Duy Tùng (theo USNews)

No comments:

Post a Comment