Monday 15 April 2013

Nông dân Tuyên Quang thi đua sản xuất kinh doanh giỏi góp phần xây dựng quê hương

Phát triển kinh tế, giảm nghèo cho nông dân là những mục tiêu quan trọng của hội nông dân các cấp. Những năm qua, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trông vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”.
Xuất hiện nhiều những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Đến xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên hỏi thăm hội viên nông dân Trình Ngọc Huynh ai cũng biết. Nhờ tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, hợp lý, hiện nay ông đã có cơ ngơi với gần 60 ha để trồng cam, quýt và trồng rừng. Diện tích tương đối lớn nên ông chia thành từng khu vực để tiện lợi cho việc đầu tư, chăm sóc, theo đó ông đã dùng 7ha diện tích để trồng cam, quýt. Với hơn 50 ha còn lại ông tập trung trồng rừng với các loại lâm nghiệp như: Keo, mỡ, bồ đề... Bằng sự cần cù, năng động, sáng tạo của mình, thu nhập của gia đình năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2008 gia đình ông thu gần 700 triệu đồng thì năm 2012 đã thu được trên 2,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lại 1,6 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, gia đình ông Huynh còn giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng và 120 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng giúp đỡ những hộ khác trong xã bằng phương thức cho vay không tính lãi cho 15 hộ số tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ông là 1 trong 10 hộ nông dân của huyện Hàm Yên đựơc công nhân danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương.
Tích cực hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” gia đình hội viên Nguyễn Thị Phúc, xóm 11, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn lại phát triển theo hướng chăn nuôi gia cầm trang trại quy mô lớn. Năm 2002, nhận thấy chăn nuôi giống gà Ai Cập mang lại hiệu quả vượt trội so với nhiều giống gà khác, gia đình chị đã mở rộng quy mô chăn nuôi với đàn gà hiện có 5.000 con mỗi năm thu về từ 150 triệu đến trên 200 triệu đồng… Gia đình chị là hội viên tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”.
Hội viên nông dân Trình Ngọc Huynh và Nguyễn Thị Phúc chỉ là hai trong số rất nhiều những điển hình cho nông dân Tuyên Quang trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2012, Tuyên Quang có gần 25.000 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, so với năm 2008 là gần 15.000 hộ. Trong có có nhiều hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Toàn tỉnh hiện có 42 trang trại, 156 hợp tác xã, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng vạn lao động. Nhiều hội viên đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: hội viên Nguyễn Văn Hoàn, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn sáng chế bộ phận máy hút sâu trong sản xuất chè sạch hay sáng chế máy tách hạt ngô của hội viên Hứa Văn Long chi hội 4, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên…
Nông dân xã Phú Lân, huyện Yên Sơn thu hoạch chè, ảnh Tôn Thu

Chung sức, đồng lòng cùng nông dân
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đó có vai trò của các cấp hội nông dân là cầu nối giúp nhiều nông dân thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu. Để thúc đẩy phong trào phát triển các cơ sở hội đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, chú trọng xây dựng các dự án, mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại để nhân ra diện rộng…. Các cơ sở hội nông dân đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho trên 21.000 lượt hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ gần 300 tỷ đồng, hỗ trợ cho hội viên vay từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm trên 1,4 tỷ đồng.
Không chỉ tạo điều kiện giúp đỡ về vốn, các cấp hội nông dân cũng đã trao “cần câu” cho những hội viên nông dân khó khăn được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với các tổ chức, các trung tâm đào tạo nghề tổ chức dạy nghề cho gần 8.000 lượt hội viên nông dân tập trung vào các lĩnh vực cơ khí, chăn nuôi gia súc gia cầm, các nghề thủ công mỹ nghệ, trồng cây ăn quả, trồng hoa… Từ kiến thức đã được học, kết hợp với sự hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên chặng đường mới, toàn thể hội viên nông dân Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể để tiếp tục thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ hộ khá, giàu, giảm hộ hội viên nghèo. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

Tôn Thu

No comments:

Post a Comment